CHATTHUGIAN.MOBIE.IN
kính chào qúy khách

TRANG CHỦ
Truyện Teen   Ngôn Tình   Đam Mỹ   Bách Hợp   Tử Vi   Truyện Tranh  
Facebook  Xổ Số  Dịch  Tải Game  Báo  Tiền Ảo Bitcoin 

  CHIẾN BINH CẦU VỒNG 


Phan_21

Mahar mở cái hộp cầu lông dán rõ kỹ ra. Mặt nó đầy căng thẳng và hồi hộp. Nó sắp đọc bản tuyên ngôn độc lập giải phóng nó và con nhỏ Flo thoát khỏi thuộc địa giáo dục. Hết sức cẩn thận, nó rút cuộn giấy ra khỏi cái hộp. 

Nó chưa chịu mở ra ngay mà kết thúc bài diễn văn bằng tiếng đằng hắng. 

“Đây là vinh dự cao nhất dành cho Soceiteit de Limpai.” 

Ai nấy đều hăm hở muốn biết vị pháp sư vô song đó viết những điều kỳ diệu gì. Tim họ đập loạn lên. Mọi người dồn sát Mahar. Ai không đến gần được thì leo lên những cái nhánh thấp của cây filicium vì họ muốn chứng kiến cảnh đọc thông điệp ấy. Mặt Flo đỏ lựng lên vì háo hức. Nó cứ nhảy loi choi, nóng lòng xem thông điệp ấy. Một cách từ tốn, Mahar mở cuộc giấy và những con chữ rõ ràng hiện ra: 

Đây là chỉ dẫn của Tuk Bayan Tula: 

Nếu các ngươi muốn thi đậu, 

Hãy mở sách ra mà học đi! 

 

  Chương 43- Elvis đã đi khỏi tòa nhà ĐẾN LÀ BỰC với cái thằng Samson cứng đầu cứng cổ. Cả bọn cãi nhau một trận nảy lửa dưới tán cây filicium. Một chọi chín. Nó cứ bảo thủ một cách ngớ ngẩn. Nó không chịu thua. 

Chủ đề cuộc cãi cọ thật ra chẳng có gì to tát. Chẳng là đêm hôm trước, chúng tôi rủ nhau đi xem phim Pulau Putri tức Đảo Công nương. Phim có sự góp mặt của danh hài Indonesia huyền thoại, S. Bagyo. Trong phim, S. Bagyo bị dạt vào một hòn đảo hoang, chỉ có đàn bà con gái sống ở đó thôi. Vương quốc trên đảo bị một mụ phù thủy xấu xí đe dọa. Chỉ cần mụ ta cất tiếng cười khùng khục thôi là khán giả cũng đủ vãi tè ra rồi. 

Mỗi tháng hai lần, sau mỗi buổi kinh magrib chúng tôi đi xem phim tại một tòa nhà hệt chuồng bò thường là nơi tụ họp của cu li. Các bộ phim được PN chiếu cho con cái những người không phải là nhân viên PN xem. Nó còn được biết đến với cái tên gọi là rạp chiếu bóng cu li. Rạp chiếu bóng đó chất lượng cực kỳ tồi, nó có hai cái loa phóng thanh hiệu TOA để khuếch đại âm. Vì sàn nhà không được thiết kế như sàn của một rạp chiếu bóng thông thường nên khán giả ngồi tít phía cuối không trông thấy rõ thứ gì cả. Mười đứa chúng tôi, cả con Flo nữa, ngồi hết cái ghế băng ở tít cuối rạp. 

Con cái nhân viên PN xem phim ở một nơi khác tên gọi là Wisma Ria (Nhà Vui). Ở đó chiếu phim một tuần ba lần. Có xe buýt màu xanh đến đưa đi đón về. Và đương nhiên có một biển hiệu cảnh báo bên ngoài, “Không phận sự miễn vào.” 

Chúng tôi đâu hay biết rằng bộ phim có cái tên thật mỹ miều kia – Đảo Công nương – thực ra là một bộ phim kinh dị. Mới xem cái tít, chúng tôi ngỡ rằng mình sẽ được xem những công nương bôi da bằng kem dưỡng, chạy loăng quăng nô giỡn cười đùa trên bãi biển. 

“Tuyệt cú mèo,” thằng Kucai hớn hở. 

Nhưng chúng tôi chưng hửng. Chỉ một lát sau khi bộ phim được chiếu, một mụ phù thủy xuất hiện với tiếng cười khùng khục ma quái. Cười đến đâu ma cà rồng xuất hiện đến đấy S. Bagyo chạy trối chết. 

Ngồi tít phía sau, tôi có thể trông thấy những đứa con nhà cu li co rúm người lại trên ghế mỗi khi mụ phù thủy gớm ghiếc đó xuất hiện. Bọn con gái kêu ré lên. Một vài đứa không đủ dũng khí để tiếp tục xem đã bỏ chạy thục mạng ra khỏi cái rạp chiếu bóng đổ nát và không trở lại nữa. 

Từ chỗ mình, tôi trông thấy thằng Samson ngồi phía bên trái không xem gì cả. Nó cứ rúc đầu vào nách thằng Syahdan. Thằng Syahdan thì rúc vào nách thằng A Kiong. Còn thằng A Kiong thì dưới nách thằng Kucai và Kucai thì dưới nách tôi. Còn Trapani và tôi thì dúi cả vào nách thằng Mahar. Thằng Trapani khóc rống lên như đứa nhỏ đòi mẹ mỗi khi đến cảnh mụ phù thủy phá hoại một ngôi làng. Thằng Mahar thì cúi đầu xuống hệt như đang tụng kinh. 

Những đứa vẫn đang ngồi đường hoàng ngay ngắn là con nhỏ Sahara, Flo và Harun. Tụi nó phá lên cười ầm ĩ mỗi khi đến canh S. Bagyo chạy như điên hòng thoát được mụ phù thủy. Khi rốt cuộc anh ta chạy thoát, tụi nó vỗ tay ầm ầm. 

Trên đường về, chúng tôi nắm tay nhau. Khi đi ngang qua bãi tha ma, tay thằng Trapani lạnh như đá. 

Ngày hôm sau vào giờ nghỉ giải lao buổi chiều, thằng Samson một mực khăng khăng rằng chính S. Bagyo mới là người rượt đuổi mụ phù thủy. Tại sao nó có ý nghĩ đó thì chúng tôi chịu. Tất cả chúng tôi nhất loạt phản đối vì quả thực là trên màn ảnh chúng tôi đều thấy điều ngược lại cơ mà. 

“Không thể nào,” thằng Kucai cãi. 

“Tao thấy mày run lên dưới nách thằng Syahdan mà,” thằng A Kiong lý sự. 

Samson cố bảo vệ ý mình. “Chứ mày có xem không mà nói? Theo như tao biết, chỉ có con nhỏ Sahara, Flo và Harun là không rúc đầu vào nách đứa nào thôi.” 

Con Sahara liếc xéo chúng tôi vẻ khinh khỉnh. “Con trai tụi bây toàn là đồ hèn!” nó nói giọng đanh đá. 

Harun gật đầu tán thành. 

“Không phải thỉnh thoảng mới nhìn lên màn ảnh một chút mà tụi tao không biết câu chuyện thế nào đâu nhé,” thằng Kucai nói, dồn thằng Samson vào thế bí, nhưng mắt lại đậu lên tôi. 

Nghe thấy mấy từ thỉnh thoảng mới nhìn lên màn ảnh, con nhỏ Sahara càng khinh khỉnh tợn. 

“Con trai tụi bây thấy mà thảm!” 

Harun và nó vỗ tay nhau ăn mừng câu nói đó. Samson đốp chát lại thằng Kucai, “Á à! Thế mày thì biết cái gì? Sửa lại đầu tóc đi kìa.” 

Chúng tôi cười khúc khích. Còn Kucai lấy lược ra thật. 

Chúng tôi tranh cãi quyết liệt, nhưng thằng Trapani thì đứng đờ ngươi ra. Dạo này nó trầm hơn thường lệ và nhiều khi cứ thấy nó ngẩn ngẩn ngơ ngơ thế nào ấy. 

Samson bám dính cái ý kiến sai lè của nó. Tôi biết tại sao. Nó thấy xấu hổ khi phải thừa nhận rằng mình đã rúc đầu vào nách thằng Syahdan. Nó không muốn hình ảnh một bậc trượng phu của nó tan tành mây khói chỉ vì mỗi chuyện nó sợ xem một bộ phim. 

Trận đấu khấu càng trở nên gay gắt. Chúng tôi cần một người hòa giải có kiến thức rộng và lời lẽ thông thái để kết thúc cuộc chiến vô nghĩa này. Không may, đứa thông thái, đứa luôn giúp chúng tôi tìm ra giải pháp, vắng học đã hai ngày nay. Và chẳng một tin tức gì. 

Ngày hôm sau, Lintang lại không đến lớp, và chúng tôi bắt đầu lo lắng. Trong cả mấy năm học cùng nhau, nó chưa vắng lần nào. Dù mưa gió, dù có bận làm công việc nạo cùi dừa khô. Dù đang mùa thu hoạch trai. Những cây cao su đã được lấy mủ vào tháng trước. Chắc có chuyện nghiêm trọng nào đó nên nó mới vắng học như thế, nhưng nhà nó thì quá xa, chúng tôi khó mà biết được tin tức gì được. 

 

Thứ Năm đến, thế là Lintang đã nghỉ học được bốn ngày rồi. Lớp học trống vắng khi thiếu nó. 

Tôi tha thiết nhìn chăm chăm chỗ ngồi trống trơn bên cạnh. Tôi buồn bã liếc nhìn nhành cây filicium nơi nó thường leo lên ngồi xem cầu vồng. Nó không có ở đấy. Chúng tôi cảm thấy thất vọng và buồn bực. Trong giờ học, tôi nhìn vào chiếc cúp giải Học sinh giỏi đầu tiên, thành tựu lớn lao nhấy mà cậu bé miền biển nghèo khó mang về cho trường chúng tôi. Tôi nhớ Lintang quá thể. 

Thiếu Lintang, lớp học không còn như trước nữa – hình như nó không đầy đủ trọn vẹn, nó đã mất đi sức hấp dẫn, và động cơ học tập của chúng tôi cũng đã đi đâu mất. Ai nấy đều trở nên trầm lắng hơn. Chúng tôi nhớ những câu trả lời rất cừ của nó, chúng tôi nhớ lời lẽ thông thái của nó, và chúng tôi nhớ những lần nó tranh luận với cô giáo. Thậm chí chúng tôi còn nhớ cái đầu tóc lúc nào cũng rối bù, cả đôi dép rách bươm và cái túi bằng song mây. 

Cô Mus cố tìm hiểu xem chuyện gì xảy ra với nó, cô hỏi han những người có thể đã đi ngang qua làng chai của Lintang. Tôi hình dung những khả năng xấu nhất, trong lòng bứt rứt không yên. Chúng tôi đợi cho đến cuối tuần, 

Sáng thứ Hai tuần sau, chúng tôi hy vọng Lintang sẽ xuất hiện cùng nụ cười rạng rỡ và câu chuyện gây sửng sốt mới nhất của mình. Nhưng cũng không thấy nó đến. Chúng tôi đang tính đến chuyện tới tận nhà nó xem sự thể thế nào thì một người gầy gò đi chân đất xuất hiện. Ông ấy đến từ làng của Lintang. Ông trao cho cô Mus một lá thư. 

Cô Mus đọc thư. Chúng tôi cùng cô Mus đã trải qua không biết bao nhiêu chuyện buồn bã đau lòng. Những thử thách triền miên giáng xuống cô, nhưng lần này là lần đầu tiên tôi thấy cô khóc. Những giọt nước mắt rơi xuống lá thư. Không đứa nào hiểu chuyện gì xảy ra. Tôi bước đến bên cô và cô đứa lá thư bảo tôi đọc. Lá thư chỉ vỏn bẹn mấy dòng. 

 

Thưa cô, 

Cha em mất rồi. Ngày mai em đến trường để chào cô và các bạn. 

Học trò của cô, 

Lintang. 

 

Vì là con trai cả của một gia đình ngư dân nghèo khổ, Lintang phải đỡ đần mẹ, mấy đứa em, ông bà nội ngoại và cả mấy ông chú không nghề nghỗng. Nó không có mảy may cơ hội được tiếp tục đến trường vì nó buộc phải đi làm để kiếm cái ăn cho ít nhất bốn con người ấy. Gánh nặng khủng khiếp đó giờ đặt trọn lên đôi vai của cậu bé ấy vì người cha hiền từ gầy gò của cậu đã qua đời. Người đàn ông mang hình dáng cây thông ấy đã mất rồi. Khi xác ông được chôn, thì niềm hy vọng lớn lao của đứa con trai duy nhất của ông cũng bị chôn vùi theo, cái chết của ông cũng giết luôn những hoài bão cháy bỏng của đứa con trai. Hai con người phi thường đến từ miền biển ấy đã bị chôn vùi trong sự trớ trêu của số phận. 

Chúng tôi sẽ chào nhau dưới tán cây filicium. 

Lòng tôi tê dại. Trống rỗng. Lintang chưa đến chào nhưng thằng Trapani đã sướt mướt. Sahara và Harun ngồi nắm tay nhau thút thít. Samson, Mahar, Kucai và Syahdan liên tục rửa mặt, “để cầu nguyện”, tụi nó khăng khăng như vậy, nhưng thực ra là không muốn đứa nào thấy mình khóc. A Kiong như người mất hồn và muốn ở yên một mình. Flo, đứa chỉ vừa mới quen biết Lintang và khó có cái gì khiến nó cảm động thì giờ cũng mặt ủ mày ê. Nó nhìn chăm chăm xuống đất mắt ngân ngấn. Lần đầu tiên tôi trông thấy nó buồn. 

Chúng tôi phải chia tay với một thần đồng. Nó là thành viên sáng giá nhất của Chiến binh Cầu vồng, một tinh hoa trong đội chúng tôi. Nó đã mang đến cho chúng tôi thành tựu cao quý nhất mà chúng tôi từng có được, nó là một anh hùng giúp giá trị của trường tôi được nâng cao. Tôi nhớ trí thông minh tỏa sáng của nó khi nó cầm loại bút không phù hợp ngày đầu đi học. Tôi nhớ sự sáng dạ và trái tim trong sáng của nó. Nó là Issac Newton, Adam Smith và André Ampère của tôi. 

Lintang giống như ngọn hải đăng. Nó giống như ngôi sao dẫn đường cho thủy thủ lạc giữa biển khơi. Nó tỏa ra một nguồn năng lượng, niềm hứng khởi và sức sống to lớn. Gần nó chúng tôi được tắm trong ánh sáng, suy nghĩ thông suốt, nó đã khơi dậy lòng ham hiểu biết và mở đường cho chúng tôi đến với kiến thức. Nhờ nó chúng tôi đã học được đức tính khiêm tốn, quyết đoán và tình bằng hữu. Giây phút nó nhấn chuông trong cuộc tranh giải Học sinh giỏi cũng chính là lúc nó thổi bùng lên trong chúng tôi niềm tin vào bản thân, khiến chúng tôi dám ước mơ, chiến thắng số phận và có hoài bão. 

Lintang hệt như một ngôi sao tỏa sáng lúc bình minh trong khi mọi người vẫn còn yên giấc. Ánh sáng tỏa ra từ ngôi sao ấy thắp sáng bầu trời không cần ai biết đến, không cần ai quan tâm. Như một ngôi sao băng, Lintang một mình khám phá những hành tinh tri thức, rồi tắt dần, và hôm nay thì biến mất. Chỉ ba tháng nữa là đến kỳ thi tốt nghiệp, tôi cảm thấy buồn khôn tả vì cậu bé tài năng siêu việt ấy, một người dân bản xứ trên hòn đảo giàu nhất Indonesia phải bỏ học vì nghèo quá. Hôm nay, một chú chuột nhắt sẽ chết đói trong một cái kho đầy gạo. 

Chúng tôi đã cười, khóc và nhảy cùng nhau quanh đống lửa. Chúng tôi không bao giờ chán với những ý tưởng mới mẻ và có tính đột phá của nó. Nó vẫn chưa đi mà tôi đã nhớ đôi mắt biết cười của nó, nụ cười vô tư của nó và từng lời nói thông thái thốt ra từ miệng nó rồi. Tôi nhớ cái thế giới thông minh rộng lớn đến vô tận có trong đầu nó và đức khiêm tốn bất tận của nó. 

Câu chuyện của Lintang là một câu chuyện không hiếm gặp ở đất nước này, câu chuyện về những đứa trẻ thông minh xuất thân từ những gia đình nghèo khó không ai thèm để mắt đến. Cái ngày mà người đàn ông với hình dáng cây thông sợ hãi bao năm trời nay rốt cuộc đã đến. Hôm nay, tôi mất đi người bạn ngồi cùng bàn suốt mấy năm qua. Mất mát này đau đớn hơn tất thảy vì mất đi tài năng Lintang là mất mát lớn nhất của tôi từ trước tới giờ. Điều này thật không công bằng. Lintang, người đã phải chiến đấu với tử thần để được đến trường, giờ phải bỏ học. Khi trường chúng tối sắp sửa bị giật đổ, nó đã không ngừng lên tinh thần cho chúng tôi. Tôi căm ghét những người sống trong xa hoa ở Điền Trang. 

Tôi ghét chính mình và những đứa bạn cùng lớp vì không thể giúp gì được cho Lintang vì gia đình chúng tôi quá nghèo. Cha mẹ chúng tôi cũng phải giật gấu vá vai chạy ăn từng bữa. 

Khi Lintang đến, mặt nó không biểu lộ cảm xúc gì. Tôi biết lòng nó đang quặn thắt, cố nén cảm xúc để nói lời chia tay. Ngôi trường, bạn bè, sách vở và những bài học là tất cả đối với nó. Đó là tình yêu và cuộc sống của nó. 

Bầu không khí im lặng bao trùm. Chim chóc vẫn chuyền cành ríu rít trên cây filicium giờ cũng im bặt. Tim ai nấy chùng xuống, mắt ngấn lệ vì đành phải để viên ngọc kiến thức ra khỏi trường. Chúng tôi ôm lấy Lintang chào tạm biệt. Nước mắt nó lặng lẽ rơi, nó ôm chúng tôi thật chặt như thể không muốn rời xa. Người nó rung lên khi tâm hồn cao quý của nó bị buộc phải rời trường. 

Tôi không thể chịu nổi khi nhìn khuôn mặt đau khổ của nó, và dù cố gắng đến mấy thì tôi cũng không thể thắng nổi nỗi buồn đang dâng lên, tôi khóc cạn nước mắt. Rồi tôi khóc thầm, không nước mắt; thật đau đớn. Tôi thậm chí không thốt nổi một từ cho ra hồn để nói lời tạm biệt. Đứa nào cũng nức nở. Cô Mus mím chặt môi, nuốt nước mắt vào trong, hai mắt cô đỏ hoe. Nhưng không một giọt nước mắt nào rơi khỏi khóe mắt cô. Cô muốn chúng tôi mạnh mẽ. Ngực tôi nhói lên khi thấy cô như thế. Chiều hôm ấy là buổi chiều buồn bã nhất trong lịch sử Belitong, từ lưu vực sông Linggang cho đến bãi biển Pangkalan Punai, từ cầu Mirang cho tới Tanjong Pandan. Ấy là buổi chiều buồn nhất trên đời. 

Ngay lúc đó, tôi nhận thấy rằng tất cả chúng tôi thật sự là những người anh em của ánh sáng và lửa. Chúng tôi thề một lòng với nhau dù cho sấm chớp đì đùng, dù cho lốc xoáy có làm sụt núi lở non. Lời thề của chúng tôi được viết lên thất trùng thiên, được những con giao long thống trị biển Đông chứng giám. Chúng tôi cùng nhau làm nên dải cầu vồng đẹp nhất thế gian này. 

 

12 năm sau 

 

  Chương 44 - Đoán ý Thượng đế MỘT PHỤ NỮ TRUNG NIÊN đi cùng ông tên là Dahrodji tiến lại gần tôi. Lại rắc rối – chắc chắn là rắc rối rồi! 

“Thưa bà, nếu muốn nổi giận, bà cứ trút hết lên đầu anh chàng cẩu thả này,” Dahrodji cấm ca cấm cảu nói. 

Người phụ nữ, dù khá đứng tuổi nhưng vẫn còn khá thu hút, nhìn tôi soi mói. Bà than phiền một lúc rồi thôi. Cách bà trang điểm, cách bà phát âm chữ R và G là lạ, cách bà nhướng mày, và cách bà nhìn tôi khiến tôi có cảm tưởng bà sống ở nước ngoài đã lâu và bà đã ngán ngẩm với tính thiếu hiệu quả của đất nước này quá thể. 

Hẳn là bà gặp phải một vấn đề gì nghiêm trọng lắm. Đúng thế, nó rất nghiêm trọng. Tại tôi mà lá thư hoàn thuế từ hải quan cho bức tranh bà mua bên nước ngoài đến tay bà quá trễ. Tôi đã nhầm lẫn trong lúc phân loại thư. Lẽ ra tôi nên gộp nó vào hộp Giawi nhưng chẳng biết sao lại thảy vào hộp Gunung Sundur. Đã là con người thì ai mà chẳng mắc lỗi chứ! 

Tuần này tôi nhầm lẫn ba lần. Tôi đổ thừa là do việc nhiều quá. Dahrodji, trưởng bộ phận, không muốn nghe bất kỳ điều gì về những rắc rối của tôi. Tôi không thể đảm đương nổi khối lượng thư từ ngày càng lớn cũng như số lượng mã bưu điện lạ lẫm ngày càng nhiều. 

Tôi bất lực nhìn ba bao thư đánh dấu Union Postale Universelle trong khi người phụ nữ kia luôn miệng phàn nàn. Lúc đó, tôi căm ghét tính cẩu thả của mình quá thể. Một trong những dấu hiệu của sự thất bại là bị khách hàng mắng trước cả khi kịp ăn bữa sáng. Tuy thế, sau một thời gian dài làm việc ở bưu điện, tôi đã tự trang bị cho mình một mánh khóe để có thể điếc đặc tạm thời. Do vậy đối với tôi, tay người phụ nữ kia chỉ như đang vung vẩy hệt Greta Garbo trong một bộ phim trắng đen không tiếng. 

“Hoe waak moet ik je nog zeggen!” Bà ném vào tôi mấy lời đó rồi quày quả bỏ đi. Tôi đúng, phải không? Câu nói của bà có nghĩa là “Tôi đã kêu ca nhiều lần rồi mà cậu vẫn cứ làm sai!” 

Tôi lại lơ đãng đưa mắt nhìn ba cái bao thư. 

Mặc dù hơi chán vì mới bị mắng cho một vố nhưng tôi vẫn phải phân loại thư, vì lúc tám giờ sáng, ca đầu phải chuyển thư đặc biệt. Tôi là nhân viên bưu điện, người phân loại thư, làm việc trong bộ phận chuyển thư vào thời điểm nhạy cảm – ca sáng bắt đầu từ lúc subub, tờ mờ sáng. 

 

Tôi chìm sâu trong nỗi sợ hãi về sự trêu ngươi của số phận. Kế hoạch A của tôi từ mấy năm trước là trở thành nhà văn và vận động viên cầu lông đã tan thành mây khói, mắc kẹt dưới đáy của thùng phân loại thư. Thậm chí kế hoạch B là một nhà văn viết sách về cầu lông cũng chẳng nên cơm cháo gì, mặc dù tận sâu đáy lòng mình tôi vẫn còn giữ lại những lời khích lệ ngọt ngào từ những cựu vô địch cầu lông và Bộ trưởng Giáo dục. 

Tôi đã viết xong cuốn sách. Không dưới 34 chương với 100.000 chữ. Để viết được ngần ấy, tôi phải nghiên cứu nhiều về liên đoàn cầu lông. Thậm chí tôi còn nghiền ngẫm văn hóa đại chúng và những khuynh hướng phát triển cá nhân để cho cuốn sách thêm phần phong phú. Ngay cả cái tên cũng rất kêu: Cầu lông và kết bạn. Indonesia chưa từng có một cuốn sách như thế. Rủi thay, vì lý do thương mại, sau khi cân nhắc, chẳng có nhà xuất bản nào chịu in cuốn sách. Họ ưa chuộng loại sách khiêu dâm đày rãy bao cao su, rồi thủ dâm, rồi nào là cực khoái bởi lẽ những loại sách như thế dễ sinh lãi hơn nhiều. Những nhà xuất bản ngớ ngẩn ấy quên béng cái nguyên tắc mens sana in corpose sano mất rồi. 

Giờ nhìn tôi mà xem, không hơn gì một người ngày ngày cố trấn an mình. Và dù cố trấn an đến bao nhiêu, cố khiến mình mạnh mẽ đến thế nào đi nữa thì tôi vẫn phải ngoi ngóp dưới cái đống thất bại đang chất cao lên mãi. Trước đây, cô Mus và thầy Harfan đã dạy tôi không được cúi đầu trước dông tố, nhưng vào lúc này, định mệnh đã giáng xuống tôi một cú nốc ao kỹ thuật – một cú KO. 

Thế rồi, vào một buổi sáng khó chịu, dưới cơn mưa như trút, tôi dùng dây dựa dẻo bó bốn bản sao cuốn sách của tôi cùng với sáu đĩa bản mềm của cuốn sách lại. Tôi buộc kèm một cái chặn giấy bằng thiếc nửa ký, loại thường được cột vào các bao thư. Tôi chạy về hướng cầu Sempur, Bogor, Tây Java. Rồi, trái tim tan vỡ của tôi nhói lên, tôi nhắm nghiền hai mắt và ném kế hoạch B – cuốn sách về cầu lông tôi đã hăm hở viết xuống sâu dưới đáy lòng Ciliwung. Nếu không bị mắc kẹt dưới mấy hòn đá dưới đáy, nó sẽ trôi theo dòng nước xiết thẳng tiến về Jakarta, mang theo cả những giấc mơ của tôi. 

 

Bất cứ khi nào cảm thấy hoài nghi, tôi thường chạy đến nơi đẹp nhất mình từng biết đến – cái nơi tôi đã phát hiện ra từ hồi còn bé khi một tình yêu lớn lao rơi xuống đời tôi lần đầu tiên ấy. Đó là một ngôi làng xinh xắn với những vườn hoa có tường đá xám bao quanh và những con đường mòn trong cánh rừng rợp bóng mận. Ôi, Edensor, cõi niết bán trong trí tưởng tượng của tôi. 

Ngôi làng ấy là nơi chữa lành trái tim tan vỡ của tôi. Cuộc sống càng trở nên khó khăn, tôi càng năng đọc đi đọc lại cuốn sách của Herriot. Tôi thường đến thăm Edensor trong những giấc mơ của mình. Khi tình dậy, tôi thấy ngực đau nhói vì da diết nhớ A Ling, và cuộc sống trở nên không thể nào chịu nổi. 

Một ngày, sau khi phân loại thư xong, tôi tới ngồi một mình dưới tán cây bên đồng Sempur gần nhà trọ, trông ra dòng Ciliwung sóng gợn lăn tăn mà trách móc Thượng đế. “Đức Allah, chẳng phải trước đây con đã xin Người nếu có bắt con làm gì thì làm chứ đừng bắt con làm nhân viên bưu điện hay sao? Và đừng cho con làm nghề gì phải bắt đầu từ lúc subub nữa?” 

Rõ ràng Thượng đế đã ban tặng cho tôi những gì trái ngược với lời cầu xin của tôi. Thì ra đó là cách làm của Người. Nếu ta xem những lời cầu nguyện và những điều Thượng đế ban tặng là các biến trên hàm tuyến tính của Người, thì chúng không khác gì mùa mưa. Ta chỉ biết đoán mà thôi. Để tôi kể cho bạn nghe chuyện này, bạn tôi à, hành động của Thượng đế rất lạ. Ngài, Thượng đế ấy, không theo một nguyên tắc hay định đề nào cả. 

Vậy nên giờ tôi mới ra thế này đây. Có khi nhân viên cục thống kê chính phủ sẽ nói về kiểu người như tôi là những người làm việc trong lĩnh vực dịch vụ công cộng, tiêu thụ 2.100 calo mỗi ngày, và cận nghèo. 

Cái nghèo, người bạn chí cốt không rời. Chúng tôi đã là bạn chí thân từ lúc tôi còn nằm trong bụng mẹ cơ. Tôi là một em bé nghèo, một đứa trẻ nghèo, một thiếu niên nghèo và giờ là một người nghèo. Tôi quen với cái nghèo như thể làm quen với việc tắm gội hằng ngày vậy. 

Sống một thân một mình, không ai đoái hoài, làm việc mười tiếng đồng hồ mỗi ngày, và nằm ở độ tuổi 20-30, đó là đặc điểm theo nhân khẩu học của tôi. Nhưng đặc điểm tâm thần học của tôi là: một người cô độc đang khát khao tột độ được ai đó để mắt đến. Những người tiếp thị sẽ xem tôi như một khách hàng tiềm ẩn cho các sản phầm làm bóng tóc, thuốc tăng chiều cao, sản phẩm ngăn rụng tóc, thắt lưng, thuốc khử mùi, hay bất kỳ sản phẩm nào có thể làm tăng sự tự tin. Thế giới không ngó ngàng gì đến tôi và đất nước này chỉ biết tôi qua số sổ lao động có chín con số ở công ty bưu đuện nhà nước: 967275337. 

 

Công việc phân loại thư chẳng có gì vui. Công việc này không được học sinh trường PN biểu diễn trong tiết mục nghề nghiệp tại buổi lễ hóa trang. Mỗi ngày, tôi ngập đầu trong hàng chục cái bao đựng thư từ từ những đất nước mà ngay cả cáu tên tôi cũng chưa hề biết đến. Mồ hôi bê bết với bụi bặm. Tương lai dành cho tôi là về hưu trong nghèo túng, thường xuyên đến những trạm xá tình thương nhờ vào tiền bảo hiểm của chính phủ, và rồi chết trong tủi sầu không một ai bên cạnh. 

Sau khi xong việc, tôi mệt quá nên chẳng thể giao du gì với ai, và có lẽ bởi vì quá mệt mỏi và chán nản với những giấc mơ không thành, tôi bắt đầu lâm vào một chứng bệnh điển hình của những người chịu áp lực: mất ngủ. Mỗi đêm, nửa tỉnh nửa mê, tôi lơ mơ nghe những câu chuyện wayang trên radio. Hết câu chuyện rồi mà tôi vẫn không ngủ được, và tôi bắt đầu nằm nghe đài cho đến sáng. Bệnh thần kinh rõ ràng đang dần dần nảy mầm trong người tôi. 

Sau một đêm khổ sở như thế, sáng sớm – rất sớm, trong khi người Belitong vẫn còn rúc trong chăn ấm đệm êm thì tôi phải lục tục dậy sửa soạn đi làm. Tôi bò ra khỏi giường trong tiết trời giá lạnh và gò người trên con đường dọc theo sông Ciliwing vẫn còn đang phủ mờ sương sớm, xe đến bưu điện để phân loại hàng ngàn lá thư. Khi người Belitong thức dậy, vươn vai ngáp dài rồi rúc lại vào chăn như sâu bướm hay thảnh thơi vừa đọc báo vừa nhâm nhi cốc trà nóng kèm bánh mì nướng, thì tôi cũng dùng bữa sáng của mình – những lời kêu ca từ quý bà người Hà Lan nọ. 

Cuộc sống của tôi bây giờ là thế đấy. Tương lai của tôi không sáng sủa và tôi không có bất cứ ý niệm gì về những điều mình sẽ đạt được trong cuộc sống này. Mọi thứ đều thiếu chắc chắn. Chỉ có một điều không trật vào đâu được là tôi là một kẻ thất bại. Tôi rủa xả bản thân mỗi lần phải đứng trên sân bưu điệm vào ngày 17 hằng tháng trong buổi lễ chào cờ của Liên đoàn Nhân công Chính phủ Indonesia. 

 

Nếu vẫn còn có gì gọi là tốt đẹp trong cuộc đời tôi thì đó là Eryn Resvaldya Novella. Con bé lanh lợi, ngoan đạo, xinh đẹp và nhận hậu. Hai mươi mốt tuổi. Tôi gọi con bé là người lĩnh thưởng bởi vì nó vừa được nhận phần thưởng dành cho sinh viên xuất sắc nhất tại một trường đại học danh giá nhất Indonesia, nơi nó học ngành tâm lý học. Cha của Eryn là anh tôi, mới bị PN sa thải nên tôi gánh trách nhiệm chu cấp chi phí học hành của đứa cháu gái. 


Phan_1
Phan_2
Phan_3
Phan_4
Phan_5
Phan_6
Phan_7
Phan_8
Phan_9
Phan_10
Phan_11
Phan_12
Phan_13
Phan_14
Phan_15
Phan_16
Phan_17
Phan_18
Phan_19
Phan_20
Phan_22
Phan_23 end
Phan_gioi_thieu
Nếu muốn nhận thông tin bài viết mới của trang thì like ở dưới hoặc truy cập trực tiếp CLICK

TRANG CHỦ
Truyện Teen   Ngôn Tình   Đam Mỹ   Bách Hợp   Mẹo Hay   Trà Sữa   Truyện Tranh   Room Chat   Ảnh Comment   Gà Cảnh   Hình Nền   Thủ Thuật Facebook  
Facebook  Tiện Ích  Xổ Số  Yahoo  Gmail  Dịch  Tải Opera  Đọc Báo 

Lưu địa chỉ wap để tiện truy cập lần sau. Từ khóa tìm kiếm: chatthugian

C-STAT .
pacman, rainbows, and roller s